Với phần lớn người lao động, vấn đề tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là vấn đề gây tranh cãi nhất. Trước tiên, để xác định thu nhập nào chịu thuế và không chịu thuế, mời bạn tham khảo bài viết Luật và các hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân năm 2018. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn về cách tính thuế thu nhập cá nhân và các ví dụ cụ thể.
Khái niệm và đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
Khái niệm về thuế TNCN
Thuế thu nhập cá nhân là khoản tiền mà người thu nhập phải trích nộp từ tiền lương hoặc từ các nguồn thu nhập khác vào ngân sách nhà nước.
Thuế thu nhập cá nhân là thuế trực thu đánh vào thu nhập chịu thuế của cá nhân tại thời điểm phát sinh thu nhập.
Những đối tượng nộp và yếu tố ảnh hưởng đến thuế TNCN
Mức thuế TNCN phụ thuộc vào hai yếu tố chính: tình trạng cư trú và loại hợp đồng lao động.
- Đối với cá nhân cư trú:
- Hợp đồng thử việc: có thời hạn tối đa 60 ngày và áp dụng mức thuế suất 10%. Nếu người lao động đủ điều kiện làm bản cam kết thuế TNCN thì không phải đóng thuế TNCN.
- Không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng: đối với mức tiền lương trên 2 triệu đồng/tháng, mức thuế suất là 10%. Trong trường hợp người lao động đủ điều kiện thì nên làm bản cam kết thuế TNCN.
- Hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên: tính theo công thức lũy tiến từng phần.
- Hợp đồng lao động không có thời hạn: tính theo công thức lũy tiến từng phần.
- Đối với cá nhân không cư trú: thuế suất cố định là 20%.
Điều kiện xác định cá nhân cư trú được xác định rõ trong bài viết Luật thuế và các hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân năm 2018. Cá nhân không đáp ứng các điều kiện cư trú được tính là không cư trú.
Lưu ý:
Các đối tượng sau được giảm 50% thuế TNCN từ tiền lương tiền công:
- Cá nhân là nhân lực công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp, chế biến nông sản, sản phẩm công nghệ cao.
- Cá nhân là chuyên gia nước ngoài làm việc tại các dự án ODA, dự án phi chính phủ nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam làm việc tại các hệ thống liên hiệp quốc.
Cách tính thuế thu nhập cá nhân
Đối với cá nhân cư trú có hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và hợp đồng lao động không có thời hạn
Công thức tính thuế thu nhập cá nhân cụ thể như sau:
Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế (TNTT) x Thuế suất
Trong đó:
- Thu nhập tính thuế tính bằng công thức
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ
- Thu nhập chịu thuế tính bằng công thức
Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Các khoản được miễn thuế
- Tổng thu nhập: là tổng các khoản thu nhập bao gồm: tiền lương, tiền công, tiền thù lao và các khoản thu nhập chịu thuế khác có tính chất tiền lương, tiền công, bao gồm cả các khoản phụ cấp, trợ cấp…
- Các khoản giảm trừ bao gồm:
- Giảm trừ gia cảnh
+ Đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng, 108 triệu đồng/năm.
+ Đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng (Phải đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh).
- Các khoản đóng Bảo hiểm bắt buộc: bao gồm Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Thất nghiệp và bảo hiểm nghề nghiệp trong một số lĩnh vực đặc biệt.
Thuế suất theo lũy tiến từng phần như sau:
Bậc | Thu nhập tính thuế/tháng | Thuế suất | Cách tính số thuế phải nộp | |
Cách 1 | Cách 2 | |||
1 | Đến 5 triệu đồng (trđ) | 5% | 0 trđ + 5% TNTT | 5% TNTT |
2 | Trên 5 trđ đến 10 trđ | 10% | 0,25 trđ + 10% TNTT trên 5 trđ | 10% TNTT – 0,25 trđ |
3 | Trên 10 trđ đến 18 trđ | 15% | 0,75 trđ + 15% TNTT trên 10 trđ | 15% TNTT -0,75 trđ |
4 | Trên 18 trđ đến 32 trđ | 20% | 1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ | 20% TNTT – 1,65 tr |
5 | Trên 32 trđ đến 52 trđ | 25% | 4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ | 25% TNTT – 3,25 trđ |
6 | Trên 52 trđ đến 80 trđ | 30% | 9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ | 30% TNTT -5,85 trđ |
7 | Trên 80 trđ | 35% | 18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 trđ | 35% TNTT – 9,85 trđ |
Ví dụ : Anh Nguyễn Văn A ký hợp đồng lao động 1 năm với công ty. Trong tháng 01/2017, Anh A có phát sinh các khoản thu nhập như sau:
- Lương chính: 25.000.000 đồng
- Phụ cấp ăn trưa: 1.000.000 đồng
- Tiền thưởng: 500.000 đồng
- Khoản đóng bảo hiểm bắt buộc: 2.625.000 đồng
Anh A có 1 con nhỏ và 1 mẹ già đã đăng ký người phụ thuộc.
Cách tính thuế TNCN của anh A sẽ như sau:
- Bước 1: Tính tổng thu nhập của anh A
Tổng thu nhập = 25.000.000 + 1.000.000 + 500.000 = 26.500.000 đồng
- Bước 2: Tính thu nhập chịu thuế
Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Thu nhập miễn thuế = 26.500.000 – 730.000 = 25.770.000 đồng
- Bước 3: Tính thu nhập tính thuế
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ = 25.770.000 – 18.825.000 = 6.945.000 đồng
Trong đó, các khoản giảm trừ = 9.000.000 + 3.600.000 x 2 + 2.625.000 = 18.825.000 đồng
- Bước 4: Tính thuế TNCN
Thuế TNCN = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Áp dụng cách 1:
Thuế TNCN = 250.000 + 10% * ( 6.945.000-5.000.000) = 444.500 đồng
Áp dụng cách 2:
Thuế TNCN = 6.945.000 x 10% – 250.000 = 444.500 đồng
Vậy: tiền thuế TNCN mà anh A phải đóng là 444.500 đồng
Đối với cá nhân cư trú có hợp đồng thử việc hoặc không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dưới 3 tháng có thu nhập từng lần chi trả từ 2.000.000 đồng trở lên
Công thức tính thuế TNCN trong trường hợp này như sau:
Thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế x 10%
Lưu ý: Không khấu trừ thuế TNCN của người lao động nếu đáp ứng các điều kiện sau:
- Làm bản cam kết 02/CK-TNCN, cam kết thu nhập sau khi trừ các khoản giảm trừ chưa tới mức phải chịu thuế.
- Có mã số thuế tại thời điểm cam kết.
- Chỉ có thu nhập tại một nơi đang làm việc.
Ví dụ: Công ty kí hợp đồng lao động với 1 nhân viên Lâm thời gian là 3 tháng, mỗi tháng trả thu nhập 4.000.000 và phụ cấp tiền ăn là 400.000 ( trường hợp lao động thời vụ thì tiền tăng ca không được miễn giảm thuế thu nhập cá nhân).
Cách tính thuế thu nhập cá nhân thời vụ là:
Thuế TNCN phải nộp = ( 4.000.000 + 400.000 ) x 10% = 440.000
Đối với cá nhân cư trú không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dưới 3 tháng có thu nhập từng lần chi trả dưới 2.000.000 đồng
Trường hợp này sẽ không phải chịu thuế TNCN
Đối với cá nhân không cư trú
Không phân biệt loại hợp đồng, mức thuế suất cố định là 20%, công thức tính thuế TNCN cho đối tượng này như sau:
Thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế x 20%
Kết
Kiến thức về thuế thu nhập cá nhân rất quan trọng đối với người lao động lẫn người sử dụng lao động. Bạn cần nắm vững và thường xuyên cập nhật những thông tin này để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp lẫn nhân viên của mình. Chúng tôi hy vọng đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết để bạn có thể dễ dàng áp dụng trong công việc.